Suy ngẫm về chữ Nhẫn
Hàm ý của chữ Nhẫn
Chữ 忍 phiên âm Hán - Việt là Nhẫn, được cấu thành bởi bộ Tâm và bộ Đao. Theo nghĩa thông thường, Nhẫn là sự nhịn, sự nín và là sự chịu đựng. Với ý nghĩa này thì chữ Nhẫn đối trị lại sự nóng giận, oán thù và sự vô minh. Như vậy, chữ Nhẫn ở đây bao hàm sự chịu đựng trước những hoàn cảnh bất lợi khác nhau. Thấm nhuần ý nghĩa này thì mỗi con người sẽ tự giác ngộ cho mình một phương pháp giải quyết hài hoà những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Muốn thấm nhuần và vận dụng được đạo của chữ Nhẫn, thì mỗi người phải hành trì trên ba phương diện là: thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.
Thân nhẫn là thực hành chữ Nhẫn trên phương diện hành động. Trong cuộc sống mưu sinh của mỗi người luôn phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, phát triển và suy thoái, khách quan và chủ quan… Tất cả những yếu tố này luôn đan xen nhau và tồn tại trong một chủ thể. Hiểu được ý nghĩa của thân nhẫn sẽ giúp cho mỗi người có những việc làm phù hợp, kể cả có những lúc chấp nhận và hy sinh tạm thời để có thể đạt được những thành tựu to lớn hơn.
Khẩu nhẫn là thực hành chữ Nhẫn trên phương diện lời nói. Chức vụ càng lớn, vị trí càng cao trong xã hội, thì mỗi lời nói càng quan trọng. Vậy nên, dân gian vẫn thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Như vậy, người thực hành khẩu nhẫn là phải thận trọng khi phát ngôn, nếu gặp phải những lời nói thêu dệt, nói không thật, lời nói hai chiều của người khác, thì mỗi người cần chủ động bình tâm suy ngẫm để không dẫn đến khẩu chiến trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày. Bởi điều này sẽ làm tổn hại đến sự an lạc trong tâm thức và đốt cháy trí tuệ có trong mỗi người.
Ý nhẫn là thực hành chữ Nhẫn trên phương diện tư duy và nhận thức của con người. Tư duy và nhận thức của con người luôn là những yếu tố căn bản tạo nên sự thành bại của mỗi công việc. Nếu con người có trí tuệ, có sự am hiểu tường tận mỗi việc làm và thận trọng trong giải quyết, phân tích đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan thì sẽ thành công.
Học đạo chữ Nhẫn
Chữ Nhẫn có công năng đối trị cái tham, cái sân hận và sự vô minh dốt nát tiềm tàng trong mỗi con người. Đối với cá nhân, nếu mỗi chúng ta hiểu đúng và thực hành đúng ý nghĩa của chữ Nhẫn, thì bản thân mỗi người sẽ nhận được sự cảm mến của cộng sự xung quanh, lấy lời nói yêu thương sẻ chia, chân thành làm cách ứng xử với mọi người, tác phong nghiêm trang, uy đức được tôn kính.
Ở phương diện gia đình, mỗi thành viên trong gia đình biết kính trên nhường dưới, gia đình hiếu thuận, luân lý đạo đức được tôn nghiêm, bổn phận trách nhiệm của các thành viên gia đình được tôn vinh.
Đối với xã hội, hiểu và thực hành đúng chữ Nhẫn sẽ giúp cho xã hội ngày một đoàn kết, hợp tác chia sẻ và hòa bình trên cơ sở lợi ích chung.
Năm 2011, những diễn biến khó lường của sự suy giảm nền kinh tế thế giới đã và đang tác động nhiều chiều đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước, đến đời sống tâm lý của một bộ phận người dân. Để vượt qua những khó khăn này, đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ các cấp quản lý, mà cần sự hợp sức tận tâm, tận lực của đội ngũ doanh nhân đang trực tiếp quản trị, lãnh đạo DN, nhằm sớm vực dậy nền kinh tế đất nước nói chung và sự phát triển bền vững trở lại của các DN nói riêng.
Hiểu và hành trì chữ Nhẫn thành công, mỗi chúng ta sẽ biết cách vượt qua được những thách thức và trở ngại hiện tại. Lý do là bởi chữ Nhẫn hoá giải tường tận quy luật phát triển và suy giảm là một hiện tượng mang tính khách quan, xuất phát trong nội tại của mỗi sự vật hiện tượng, chứ không phải là ngoại lệ với nền kinh tế, kể cả TTCK.
Trong giáo lý nhà Phật, khi tiếp cận vấn đề này thường được gọi là “sự vô thường” và vận hành theo quy luật Thành - Trụ - Hoại - Không. Nói như vậy để mỗi chúng ta thấy rằng, sự vận động của nền kinh tế, của vòng đời DN, của TTCK có những lúc nghịch, lúc thuận là hoàn toàn bình thường. Như vậy, mỗi người cần có đức tin và kiên trì nhẫn nại để hành trì chữ Nhẫn, nhằm tự tin giải quyết hiệu quả những khó khăn trở ngại.
Đại đức Thích Minh Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét